Những vấn đề cần phải chú ý khi gặp nhà tuyển dụng
Có công ty sẽ xem xét tăng lương sau 1 năm, khi hợp đồng đầu tiên hết hạn, hoặc chỉ xem xét tăng lương khi nhân viên tự đề xuất.
“Thế bạn muốn nhận được mức lương bao nhiêu?” luôn là một trong những câu hỏi khó nhằn nhất nhưng lại không thể không trả lời khi phỏng vấn xin việc.
Hầu hết người tìm việc đều rất hào hứng khi nghe nhà tuyển dụng nói về lương bổng cho vị trí mà mình ứng tuyển nhưng lại tỏ ra lúng túng khi được hỏi về mức lương mong muốn. Trên thực tế, nhiều ứng viên, đặc biệt là những người ít có kinh nghiệm, thường có xu hướng đưa ra mức lương thấp hơn dự tính.
Nhưng chắc chắn bạn sẽ cảm thấy chán nản và khó có thể tập trung vào công việc được nữa. Vậy làm sao để đàm phán được mức lương đúng như dự tính và bạn xứng đáng được nhận? Dưới đây là một số bài học kinh nghiệm mà bạn nên tham khảo trước khi trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng:
1. Đừng bao giờ nói tiền không quan trọng
Các ứng viên Việt Nam khi đi phỏng vấn thường tránh nói về tiền lương, hoặc cảm thấy khó trao đổi về vấn đề này. Thậm chí, khi được hỏi, nhiều người còn trả lời: “Lương đối với tôi không quan trọng lắm, quan trọng là được học hỏi, rèn luyện,…” Câu trả lời này rất hay được các ứng viên còn ít kinh nghiệm sử dụng. Thực tế, nhà tuyển dụng thường không có thiện cảm với những người không đi làm vì tiền, bởi nó là một dấu hiệu của sự chưa trưởng thành. Đơn giản họ nghĩ nếu tiền đối với bạn không quan trọng, suy ra công việc đối với bạn cũng mấy không quan trọng.
Hơn nữa, trong mắt nhà tuyển dụng, những người trả lời theo kiểu trên thường là những người không có năng lực, hoặc không tự tin vào khả năng của họ, hoặc không biết được khả năng của họ đến đâu. Không có một doanh nghiệp nào muốn biến công ty của họ thành nơi thực tập miễn phí cho những người như thế cả.
2.Tránh đề cập đến mức lương cũ nếu nhà tuyển dụng không hỏi đến
Nếu bạn đưa ra mức lương ở công ty cũ (và không may là nó khá thấp), mức lương đó sẽ là cột mốc mà nhà tuyển dụng dùng để đàm phán với bạn. Trong trường hợp nhà tuyển dụng khăng khăng muốn biết mức lương tại công ty cũ, bạn hãy cho họ biết và trình bày sự khác biệt giữa công việc cũ và công việc ứng tuyển, nhấn mạnh những nhiệm vụ mới mà bạn sẽ đảm trách.
Hãy nghĩ mỗi lần đổi công việc là mỗi lần phải được tăng lương, nghĩa là bạn phải yêu cầu một mức lương cao hơn công việc cũ, coi như là chi phí để làm quen với môi trường mới. Đừng bao giờ giải thích vì sao bạn muốn lương cao hơn mức hiện tại bằng những lý do trẻ con như: “Công ty tôi trước đây ở Hưng Yên, chi phí sinh hoạt khá thấp, còn quý công ty tọa lạc ở khu vực trung tâm nên chi phí sẽ đắt đỏ hơn…”
3. Hãy hướng tới một con số cụ thể
Nhiều nhà tuyển dụng cho biết, thường thì khi nói chuyện với ứng viên, họ đã chuẩn bị sẵn một con số cụ thể về mức lương sẽ trao đổi. Nếu ứng viên vội vàng đồng ý, bạn dễ gặp sai lầm khi phát hiện ra mức lương đó thấp hơn những vị trí tương đương ở công ty và không tương xứng với những đóng góp của bạn.
4.Đừng quên thỏa thuận thời gian thử việc
Bạn mạnh dạn đưa một mức lương cao và được các sếp đồng ý. Tuy nhiên trong thời gian thử việc bạn sẽ chỉ nhận được khoản tiền bằng 70 – 80% mức lương đề ra. Thông thường, thời gian thử việc ở các công ty chỉ là 2 tháng. Tuy nhiên, đây cũng là một chiêu của nhà tuyển dụng, vì thế bạn hãy hỏi lại rõ ràng xem thời gian thử việc là bao lâu để tránh trường hợp làm mãi mà không thấy lương đạt được mức thỏa thuận ban đầu.
5. Đừng ngần ngại hỏi về chính sách lương, thưởng của công ty
Chính sách tăng lương, thưởng của mỗi công ty rất khác nhau. Và bạn nên hỏi kỹ điều này. Có công ty sẽ xem xét tăng lương sau 1 năm, khi hợp đồng đầu tiên hết hạn, hoặc chỉ xem xét tăng lương khi nhân viên tự đề xuất. Vì thế, hãy hỏi rõ ràng để đảm bảo quyền lợi cho mình.
Một vấn đề nhỏ khác cũng cần phải lưu ý là khi thỏa thuận mức lương, bạn phải chắc chắn rằng đây là lương mà bạn sẽ được nhận, sau khi trừ đi tất cả các khoản khác như thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm y tế…
Trên đây là những gợi ý giúp bạn tránh phải nhận một mức lương thấp. Vậy trong trường hợp ngược lại, bạn nhận được một mức lương cao (điều hiếm xảy ra) thì sao? Đừng vui mừng gì vì nếu bạn nhận một mức lương quá cao so với giá trị của bạn, áp lực công việc lên bạn cũng sẽ tăng tương ứng.
Leave a Reply