Ngành ngân hàng thiếu hụt nhân lực trầm trọng
Vì vậy, khả năng thiếu hụt đội ngũ kế cận rất dễ xảy ra, nếu ngay từ bây giờ các trường đại học, tổ chức đào tạo không chú trọng đi theo hướng chuyên sâu.
Tuyển dụng ồ ạt
Hơn 7.100 chỉ tiêu tuyển dụng trong năm nay là con số mà các NHTM, công ty tài chính – chứng khoán, các TCTD đang tìm kiếm để bổ sung cho lực lượng nhân sự đang còn thiếu hụt so với kế hoạch mở rộng của các đơn vị này.
Một số NHTMCP có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu tuyển dụng không chỉ hướng đến các vị trí thông thường như nhân viên giao dịch, kinh doanh, tư vấn với số lượng lớn, mà những vị trí quản lý cấp cao, nắm giữ vai trò chủ chốt tại các ngân hàng cũng đang được chú trọng tìm kiếm. Để thu hút nguồn lực này, nhiều chương trình trọng dụng nhân tài, ưu đãi nhân sự đang được các ngân hàng đưa ra.
Theo đại diện Sacombank, tính riêng trong năm nay, chỉ tiêu tuyển dụng toàn bộ hệ thống cho nhiều vị trí như kế toán, chuyên viên khách hàng, chuyên viên kinh doanh, giao dịch viên… lên đến hơn 340 người. Chưa kể một số vị trí quản lý cấp cao cũng đang chờ đợi người tài.
Theo như lý giải của cán bộ phòng tuyển dụng nhân sự, sở dĩ nhu cầu tuyển dụng hàng năm của ngân hàng khá cao so với một số tổ chức tài chính, ngân hàng khác là do quy mô phát triển, mở rộng mạng lưới của Sacombank đang ngày một gia tăng, trong khi thời gian qua nhân sự ngành Ngân hàng có nhiều sự chuyển biến, thay đổi do tác động chung của nền kinh tế, cũng như nhu cầu đòi hỏi trong mỗi giai đoạn khác nhau của ngân hàng.
Tương tự, Vietcombank cũng đang thông báo tuyển dụng vài trăm nhân sự cho nhiều vị trí tại các chi nhánh trên toàn quốc. Cùng với chương trình tuyển dụng, ngân hàng này cũng có nhiều chương trình đào tạo sau tuyển dụng kèm theo đối với đội ngũ cán bộ nhân viên mới làm việc, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nhanh chóng bắt nhịp với công việc của ngân hàng có quy mô lớn, hiện đại và có nhiều yêu cầu cao đối với nguồn nhân lực như Vietcombank.
Về vấn đề này, ông Ngô Quốc Hùng, Trưởng bộ phận tuyển dụng ABBank cho biết, không riêng gì những ngân hàng có quy mô lớn mà cả ngân hàng quy mô trung bình và nhỏ cũng đang gấp rút phát triển nguồn nhân lực.
Năm 2014, ABBank sẽ có 200 chỉ tiêu tuyển dụng cho các vị trí phổ thông, khá phù hợp với các bạn sinh viên mới ra trường. Bởi, ngân hàng này mong muốn tận dụng được sự nhiệt huyết, năng động, sức trẻ của lực lượng lao động được trang bị kiến thức chuyên môn khá vững vàng này.
Chú trọng về chất lượng
So với nhu cầu tuyển dụng khoảng chục nghìn nhân sự mỗi năm của các ngân hàng hiện nay, các trường, khoa đào tạo trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng thậm chí có thể đáp ứng đến vài chục nghìn sinh viên tốt nghiệp ngành này mỗi năm. Tuy nhiên, quan điểm thống nhất chung của nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính là vẫn chú trọng vào chất lượng chuyên môn.
Mặc dù, hầu hết các ngân hàng đều có chương trình đào tạo và tái đào tạo thường xuyên từ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đến các kỹ năng mềm trong quá trình làm việc giao tiếp, ứng xử cho cán bộ mới tuyển dụng, song không ít sinh viên mới ra trường cũng phải khá chật vật để trụ lại với nghề.
Ngược lại, khi đã vượt qua những vòng sát hạch gắt gao của các ngân hàng thì được làm việc trong một môi trường đầy năng động, thử thách cũng như chính sách ưu đãi hấp dẫn là hoàn thành mục đích hướng tới với nguồn nhân lực ngành này.
Theo nhận định của một số chuyên gia, ngoài những điểm hấp dẫn, tính đào thải, áp lực trong môi trường tài chính – ngân hàng cũng rất cao. Điển hình trong giai đoạn khó khăn, không ít ngân hàng đã phải mạnh tay cắt giảm hàng trăm, thậm chí cả nghìn nhân sự. Chính vì vậy, nếu không giỏi về chuyên môn và nỗ lực học hỏi, việc bị loại ra khỏi guồng máy hoạt động cũng khó có thể tránh khỏi.
Nhiều nhân viên mới được tuyển dụng làm việc 1-2 năm tại một số NHTM cho biết, hiện nay phần lớn các ngân hàng đều có quy trình làm việc cũng như áp dụng các quy chuẩn, hệ thống quản lý khá chuyên nghiệp, nên việc học kiến thức trên giảng đường chỉ là nền tảng cơ bản. Còn lại, chủ yếu các cán bộ mới vẫn phải cập nhật thường xuyên kiến thức, nghiệp vụ trong quá trình làm việc.
Theo dự báo của một số tổ chức nghiên cứu, đến năm 2015, nhân lực ngành Ngân hàng có thể lên đến 94.000 người. Trong đó, đòi hỏi về năng lực, kiến thức, khả năng lãnh đạo đối với nhân sự cấp cao ngày một tăng. Vì vậy, khả năng thiếu hụt đội ngũ kế cận rất dễ xảy ra, nếu ngay từ bây giờ các trường đại học, tổ chức đào tạo không chú trọng đi theo hướng chuyên sâu.
Về vấn đề này, PGS-TS. Lý Hoàng Ánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng cho biết, để đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao của các đơn vị tuyển dụng, các trường đang chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy để góp phần đưa hoạt động đào tạo gắn liền với thực tiễn công việc.
Đặc biệt, mới đây Đại học Ngân hàng đã tăng cường liên kết đào tạo với các chương trình giảng dạy quốc tế của Anh, Mỹ, Thụy Sỹ…. hướng tới góp phần nâng cao năng lực hoạt động chuyên môn ngay trong khâu đào tạo nguồn nhân lực ngành Ngân hàng.
Leave a Reply